Bút kí: THĂM TƯỢNG ĐÀI BỐN DŨNG SĨ NGHĨA HIỆP
Chúng tôi được anh Phạm Văn Tân phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nghĩa Hiệp và anh chị em các ban ngành của xã đưa đến Nghĩa trang liệt sĩ xã nhà. Chúng tôi đặt hai chậu hoa bất tử trước nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ và thắp hương. Rồi chúng tôi đến từng mộ thắp hương cho các anh. Thắp hương xong đoàn chúng tôi đến thăm Tượng đài Bốn dũng sĩ Nghĩa Hiệp - di tích lịch sử cấp tỉnh. Tượng đài các anh vừa được xây trên một khu đất trang nghiêm, phía trước là con đường liên xã, phía sau là dòng sông Vệ trong xanh, nơi ngày xưa các anh thường bơi qua bơi lại trong những chuyến công tác, và những hàng tre xanh mát chạy dài theo bờ sông như để che chở cho linh hồn các anh đi về được bình yên, bên tay phải là Sân vận động xã như để các anh tập thể dục mỗi sáng và mỗi chiều, bên tay trái là khu dân cư như để các anh cùng trò chuyện với dân làng. Đứng trước Tượng đài Bốn dũng sĩ Nghĩa Hiệp sừng sững oai hùng, tôi vô cùng cảm động và tự hào về truyền thống yêu nước của dân tộc ta. Bên tai tôi vang vọng lời thơ của nhà thơ Hoàng Danh:
Các anh viết bài ca chiến thắng
Giữa lòng đất mẹ mến yêu
Bốn dũng sĩ thắng bốn trăm tên giặc
Nghĩa Hiệp ơi! Tên đẹp biết bao nhiêu.
Viếng các anh xong, anh Phạm Văn Tân đưa đoàn chúng tôi đến thăm nhà ông Bùi Học, thương binh hạng 2/4. Ông Học đón tiếp chúng tôi nồng nhiệt. Ông mời trà chúng tôi và kể chuyện về những tấm gương chiến đấu anh dũng của những thương binh, liệt sĩ. Giọng nói lúc trầm lúc bổng của ông Học rất truyền cảm khiến chúng tôi ai nấy đều chăm chú lắng nghe. Ấn tượng nhất là cuộc chiến đấu của bốn dũng sĩ Nghĩa Hiệp.
Ông kể: Năm 1966, thực hiện chỉ đạo của Huyện ủy Tư Nghĩa, ngay sau khi đi dự hội nghị về, đồng chí Lê Phổ, Bí thư kiêm đội trưởng đội công tác đã triệu tập toàn đội công tác họp để quán triệt nhiệm vụ và phân công đồng chí Lê Quang Vinh phụ trách bộ phận ở lại, đồng chí Lê Phổ trực tiếp phụ trách tổ công tác đi làm nhiệm vụ.
Bốn giờ chiều ngày 18 tháng 2 năm 1966, hai tổ công tác Nghĩa Thương, Nghĩa Hòa đều có 4 đồng chí, riêng Nghĩa Hiệp có 5 đồng chí (Lê Phổ, Lê Đông, Huỳnh Năm, Nguyễn Tiến Dũng và Nguyễn Tương) đã tập trung đúng nơi quy định. Ba tổ công tác cùng tiến từ xã Đức Minh, Đức Chánh, Đức Thắng và đến tối đã về đến An Mô (Đức Lợi). Sau đó vượt sông Vệ, qua Đùi Xã Thông (Nghĩa Hiệp). Tại đây, đoàn đã tách thành ba tổ, đội công tác xã nào về xã đó. Tổ công tác xã Nghĩa Hiệp dưới sự chỉ huy của đồng chí Bí thứ chi bộ đã triển khai đội hình chiến đấu, men theo đường đồng và khoảng 2 giờ sáng ngày 19 tháng 2 năm 1966 tức (30 tháng Giêng, năm Bính Ngọ) đã về đến nhà bà Tạ Thị Trâm (thôn Năng Đông). Tại đây bà Thất Huệ (mẹ ruột của đồng chí Lê Đông) vui mừng trao đổi tình hình với tổ và bàn cách chống địch. Trong nhà không có hầm bí mật nên bà Thất Huệ đã bố trí cả 5 đồng chí cùng ở chung buồng trong nhà và đưa các cháu nhỏ về nhà bên ngoại.
Khoảng 8 giờ sáng bọn lính nghĩa quân, dân vệ và cảnh sát khoảng hai trung đội tổ chức đi lùng, xăm hầm ở thôn Năng Đông. Từ trong nhà các đồng chí trong tổ công tác đã phát hiện có khoảng 10 tên đi vào sân nhà. Thấy đóng cửa, bọn chúng xông vào đạp cửa và phát hiện ra các đồng chí của ta. Biết bị lộ, nên đồng chí Lê Đông đã kê khẩu tiểu liên Tiệp Khắc bắn một loạt đạn về phía địch làm 4 tên chết tại chỗ, số còn lại chạy dạt ra ngõ. Tranh thủ lúc bọn địch chưa hoàn hồn, các đồng chí trong tổ hội ý nhanh và rút về phía nhà ông Võ Đình Hoa (Hoa Đặng).
Sau khi hoàn hồn, địch tổ chức bao vây, chặn đường rút lui của ta. Mặt khác bọn chúng báo cáo về xã và quận đề nghị chi viện, nên lực lượng địch nhanh chóng được tăng viện từ nhiều hướng. Bọn nghĩa quân, cảnh sát ở cơ quan Hội đồng xã, do tên trung úy Võ Phận chỉ huy từ đồn Hào Hải kéo lên; trên quận, đại đội biệt chính đoàn do tên trung úy Bé chỉ huy tiếp viện theo đường xã Nghĩa Thương kéo xuống.
Do thông thuộc địa hình, nên đồng chí Lê Đông nhận định là tổ công tác không thể rút về An Mô vì địch đã bố trí đón lỏng. Tổ chọn nhà ông Võ Đình Hoa để quyết chiến. Dựa vào gác lỡ, tường gạch dày 20 phân để tránh đạn, đánh địch và chấp nhận phương án cuối cùng là hy sinh. Trong lúc địch chưa dám tấn công, đồng chí Lê Phổ động viên các đồng chí trong tổ: nếu hy sinh cũng chiến đấu đến viên đạn cuối cùng. Đồng thời các đồng chí lấy máu viết lên tường nhà “Thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.
Khoảng hơn 9 giờ sáng, địch tổ chức tấn công từ hai hướng. Trong nhà các đồng chí chia làm hai nhóm để chiến đấu. Với tinh thần quyết tử, các đồng chí đã bình tĩnh chờ địch đến gần, dùng lựu đạn tiêu diệt địch làm nhiều tên chết và bị thương. Lúc này đạn của ta gần hết, với phương châm “lấy súng địch đánh địch”, nên tranh thủ lúc bọn địch đang khiếp sợ và chạy dạt ra ngoài, đồng chí Lê Đông và đồng chí Huỳnh Năm đã bắn hỗ trợ, để đồng chí Nguyễn Tiến Dũng bò ra sân lấy súng và lựu đạn địch để tiếp tục chiến đấu.
Đến 10 giờ, với ý định bắt sống lực lượng ta, nên tên cảnh sát ác ôn Nguyễn Duân bắt bà Thất Huệ vào kêu gọi đầu hàng. Khi gặp các chiến sĩ bà nhanh chóng thông báo tình hình địch là rất đông và khi ra đã mưu trí báo bên trong không có ai. Lập tức, bọn chỉ huy cho một trung đội lính nghĩa quân và bọn lính biệt chính đoàn của quận tiến vào, địch vừa đến sân thì bị lực lượng ta ném lựu đạn diệt được nhiều tên và làm bị thương nhiều tên khác, những tên sống bỏ chạy dạt ra ngoài. Biết bị lừa, nên tên ác ôn Nguyễn Duân và đồng bọn đánh đập bà Thất Huệ đến bất tỉnh, sau đó đưa bà về nhà lao quận Tư Nghĩa để tiếp tục tra tấn.
Tranh thủ lúc bọn địch chờ viện binh, các đồng chí trong tổ nhanh chóng họp và thống nhất đề nghị đồng chí Lê Phổ bí mật rút trước. Chấp hành ý kiến của tập thể, đồng chí Lê Phổ rút về hướng Bắc, vượt qua sông Cả Lễ, men theo bờ ruộng rộc bà Nhung, rút về hướng xóm Thuận An, xã Nghĩa Thương. Nhưng khi vừa lên khỏi mương Vọng, thì gặp ngay đại đội lính bảo an ở quận Tư Nghĩa kéo xuống và bọn chúng tổ chức bao vây. Cuộc chiến đấu diễn ra không cân sức, một mình đồng chí Lê Phổ chiến đấu với một đại đội lính bảo an, nên sau hơn một tiếng đồng hồ chiến đấu, tuy bị thương nhiều nơi và mất nhiều máu sau khi hạ được nhiều tên địch, nhưng đồng chí đã cắn răng tự băng bó vết thương và chiến đấu đến viên đạn cuối cùng. Khi súng hết đạn, đồng chí đã đập súng, xé nhỏ hết tài liệu, tiền mang theo. Biết mình bị thương không thể thoát được, đồng chí chỉ giữ lại một quả lựu đạn và tháo chốt an toàn, tay nắm chặt quả lựu đạn và nằm đè sấp dưới bụng. Do vết thương quá nặng và mất nhiều máu, nên đồng chí đã anh dũng hy sinh. Dù nghi đồng chí đã chết, nhưng bọn địch vẫn không dám xông lên. Sáng sớm hôm sau, bọn chúng phát hiện ra đồng chí Lê Phổ đang nằm, nên tập trung kéo đồng chí lên, bất ngờ lựu đạn nổ, làm bọn địch chết tại chỗ 3 tên và làm 6 tên khác bị thương. Gương hy sinh quả cảm của đồng chí bí thư, kiêm đội trưởng đội công tác đã làm bọn địch khiếp sợ và mãi là tấm gương sáng ngời cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Nghĩa Hiệp nói riêng và toàn huyện Tư Nghĩa nói chung học tập và noi theo.
Tại nhà ông Võ Đình Hoa, đến khoảng 11 giờ trưa, tên thiếu tá Võ Thái Thanh Hoa, quận trưởng quận Tư Nghĩa dẫn thêm một đại đội lính cộng hòa đến để phối hợp lực lượng tại chỗ tổ chức tấn công từ nhiều hướng vào nhà. Trong giây phút sinh tử ấy đồng chí Lê Đông tiếp tục động viên 2 đồng chí trong tổ tiếp tục quan sát theo dõi các hướng tiến công của địch. Phải chờ bọn địch tới gần thì dùng lựu đạn để tiêu diệt, bắn tiết kiệm đạn, cố gắng bẻ gãy các đợt tấn công của địch, giữ vững trận địa. kéo dài thời gian chờ trời tối tìm đường rút khỏi vòng vây. Trận chiến đấu diễn ra ác liệt từ 11 giờ đến 12 giờ trưa, bọn địch tấn công từ nhiều hướng, chúng thi nhau xả đạn vào nhà, nhưng các chiến sĩ đã dũng cảm, mưu trí lợi dụng địa hình, lần lượt bẻ gãy từng đợt tiến công của địch.
Buổi chiều bọn lính cộng hòa chia thành nhiều toán nhỏ bò vào tấn công nhằm chiếm lĩnh trận địa tiêu diệt các chiến sĩ. Trong nhà các chiến sĩ vừa nằm thấp để tránh đạn đại liên từ xe tăng bắn vào, vừa chờ địch tới gần để bắn những viên đạn chính xác vào đội hình địch. Lúc này ở hướng Bắc, một toán địch chiếm được tường nhà phía sau. Đồng chí Lê Đông và đồng chí Nguyễn Tiến Dũng quyết định đánh hai trái lựu đạn cự ly gần, với tinh thần thà hy sinh chứ không để bọn địch chiếm trận địa. Vừa bung lựu đạn 2 đồng chí vừa lăn vào ẩn nấp. Lựu đạn nổ làm toán địch vừa chiếm được góc nhà phía sau tan xác, những tên bị thương kêu la, lết bò ra ngoài. Bên ta tuy an toàn nhưng bị sức ép của lựu đạn làm tức ngực, ù tai.
Sau nhiều lần tấn công không thành, hơn nữa lúc này trời đã tối, nên bọn địch không dám tiếp tục tấn công, mà chỉ tổ chức bao vây bên ngoài. Đến 19 giờ trận địa pháo 105 ly ở quận Tư Nghĩa bắn tọa độ ở khu vực dọc theo gò Hạo, rộc chú Duẫn, rộc Cả Lễ, đạn pháo nổ ở hướng Tây cách nơi ẩn nấp khoảng 150 mét. Trong lúc pháo bắn các đồng chí hội ý và thống nhất nhận định: các hướng Đông, Nam, Bắc đều có địch phục kích, chỉ có hướng Tây pháo đang bắn có khả năng không có địch. Đến 20 giờ 30 phút theo lệnh của đồng chí Lê Đông, toàn tổ rút nhanh khỏi trận địa, bí mật men theo xóm Gò, đập Cây Sanh thôn Năng Xã lên Nghĩa Hành an toàn trong đêm 19 tháng 2 năm 1966 chỉ riêng đồng chí Lê Đông bị thương nhẹ ở đùi do mảnh pháo.
Qua một ngày chiến đấu khốc liệt, trong điều kiện lực lượng ta ít và bị động, bọn địch đông và chủ động, nhưng các đồng chí trong tổ công tác đã chiến đấu anh dũng, mưu lược bẻ gãy 12 đợt tấn công của địch và tiêu diệt khoảng 100 tên địch, làm kẻ địch kinh hồn bạt vía. Các chiến sĩ trong đội công tác đã viết lên một trang sử oai hùng của chi bộ, quân và dân Nghĩa Hiệp trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đề nghị nhận thành tích của các chiến sĩ, tại đại hội thi đua Quân khu V vào tháng 6 năm 1966, Quân khu V đã tặng huy hiệu Dũng sĩ diệt ngụy cho bốn đồng chí: Lê Phổ, Lê Đông, Huỳnh Năm và Nguyễn Tiến Dũng.
Ngừng một lát, ông Học nói:
- Bốn đồng chí của tôi, sau này còn tham gia nhiều trận đánh và lập nhiều chiến công hiển hách. Trong những trận chiến ác liệt, các anh đã anh dũng hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Ngày nước nhà thống nhất tôi cùng với đồng đội đưa hài cốt các anh về yên nghỉ tại nghĩa trang quê nhà…
Nói đến đây ông Học lấy khăn lau những giọt nước mắt rồi nói tiếp:
- Hôm nay tôi rất mừng là năm 2018, Đảng và Nhà nước đã xây dựng tượng đài các anh trên mảnh đất quê nhà. Đây là ý nguyện của cán bộ, nhân dân xã Nghĩa Hiệp đã ấp ủ từ lâu. Tượng đài Bốn dũng sĩ Nghĩa Hiệp là lời nhắc nhớ về tinh thần bất khuất, về giá trị của sự hòa bình, độc lập dân tộc, tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam.
Nghe ông Học kể, ai cũng thấy cay cay nơi sống mũi. Ai cũng tự hứa với lòng mình là phải làm sao xứng đáng với công lao của các anh hùng thương binh liệt sĩ.
Những ai chưa từng đi qua chiến tranh khi về Nghĩa Hiệp hôm nay, khó có thể hình dung nơi đây đã từng diễn ra những trận đánh ác liệt như thế. Bởi giờ đây Nghĩa Hiệp quá đổi bình yên. Sau chiến tranh khép lại quá khứ đau thương với nhiều mất mát, người dân Nghĩa Hiệp đã bắt tay vào xây dựng quê hương đất nước ngày một giàu đẹp.
Về thăm Nghĩa Hiệp hôm nay, thăm Tượng đài Bốn dũng sĩ Nghĩa Hiệp, viếng Nghĩa trang liệt sĩ xã, chúng tôi rất vui mừng vì xã đã đạt xã nông thôn mới. Thành tich đó là một món quà tri ân lớn nhất mà cán bộ và nhân dân xã Nghĩa Hiệp dành cho các anh hùng thương binh liệt sĩ./.
Tác giả: PHẠM VĂN HOANH
HỘI VIÊN HỘI VHNT QUẢNG NGÃI